Vô Địch Gian Thương

Chương 13: Chính quyền can thiệp




p/s: Đa tạ "situvodanh_07" cùng thần tài "1451011692" đã mang tới vàng bạc cùng sự thịnh vượng. Cảm tạ! Cảm tạ!
Thôn Lệ, làng Đông Dư,
“Bác Hoàn, gà vừa mới gáy bác mang xe thồ đi đâu sớm thế?”
“Cô Loan hả, tôi qua Đông Khánh mua nứa làm dậu cho cây”, nghe ra là giọng của bà Loan hàng xóm, ông Hoàn thuận miệng đáp lời.
“Mua nứa? Vậy bác phải lên chợ huyện chứ Đông Khánh làm gì có?”, bà Loan tưởng ông Hoàn nói nhầm.
“Ủa, vậy ra cô còn chưa biết tin à?”
“Tin gì hả bác?”
“Đông Khánh mới có người bán nứa đấy, chỉ là số lượng không nhiều. Tôi phải đi sớm kẻo người khác mua hết mất”
“Ôi dào, hết thì lên huyện cũng được mà?”
“Cái cô này thật đúng là chẳng biết tính toán gì. Chợ huyện cách đây cả chục cây số, đường xá đi lại khó khăn, chở về làng tốn công lắm. Hơn nữa giá bán bên kia cũng rẻ hơn trên huyện”
Nghe tới từ “rẻ”, có vẻ như đánh trúng tâm lý của phụ nữ, bà Loan mắt hấp háy:
“Ồ, thế giá cả chênh lệch thế nào hả bác?”
“Bây giờ trên huyện bán tận hai nghìn một cây nhưng chỗ này có nghìn tám thôi”, ông Hoàn tỏ ra nắm khá rõ giá cả.
“Chà, tốt giá vậy sao?”.
“Chắc chắn mà, con em dâu tôi mới mua được chiều qua. Hơn nữa nó còn nói nếu mua nhiều sẽ được giảm giá nữa”
“Ồ, vậy à?”, bà Loan mím mím môi tính toán.
“Thôi, tôi phải đi không trễ mất”.
“Bác Hoàn, em bảo”, bà Loan gọi giật lại.
“Còn chuyện gì nữa?”, ông Hoàn hơi thiếu kiên nhẫn.
“Bác chẳng phải nói là mua nhiều sẽ được giảm giá sao? Đằng nào nhà em với mấy nhà quanh đây cũng còn thiếu nan, để em hô hào bọn họ mua chung. Bác sẵn xe chở luôn một thể”, bà Loan đề nghị.
Ông Hoàn thấy bà Loan có lý nên lập tức đồng tình:
“Uhm... cô tính vậy cũng phải. Được rồi, vậy làm nhanh lên! Đi muộn là giá cao cũng không mua được chứ đừng nói tới giảm giá”,
“Vâng, vậy bác vào nhà làm chén nước với chồng em cái đã, lát lão ấy theo bác mua nứa luôn một thể”, bà Loan cất lời mời mọc.
“Thôi, nước nôi cái gì, đang gấp lắm. Cô chạy nhanh lên đi, ai lấy thì bảo không thì thôi. Tôi còn phải đi ngay”
“Vâng, vậy bác chờ cho một lát vậy”
Bà Loan nói xong thì vội vàng tẽ hàng rào dâm bụt nhà hàng xóm, theo lối tắt trong vườn tất tưởi chạy đi.
................................................

................................................
“Anh Cường, nứa bán nhanh quá, lại sắp hết đến nơi rồi”, Kiên mặt nở đầy hoa hớn hở nhìn Cường thông báo.
“Ừ, với tình hình này thì chỉ tới trưa là lại hết sạch. Mày bảo bọn thằng Hải ra sông chở thêm hàng về đi”
Cường nói xong như nhớ tái cái gì lại gọi giật lại:
“À khoan, nói với thằng Hải mang toàn bộ tiền hàng chúng ta đã bán được giao cho ông Mạnh, chúng ta cần nhanh chóng lấy hết hàng ở đó về đây mới yên tâm được”
“OK, đại ca”, Kiên gật đầu rồi vội vàng chạy về phía Hải lúc này đang lúi húi ghi chép tại điểm tập kết nứa vốn là một đầu sân bóng của làng.
Cường rung đùi ngồi trong một cái lán nhỏ vừa tránh nắng vừa giám sát toàn bộ công việc. Thời gian này vừa khéo bọn hắn lại nghỉ hè nên cũng rảnh rỗi, không bị chuyện học hành bó buộc. Nếu có thể tranh thủ một hai tuần kiếm được số tiền bằng cả nhà tích cóp vài năm thì quả là một chuyện vô cùng có tính hấp dẫn.
“Chỗ này là ai phụ trách đây?”, Cường đang chống cằm lên bàn mơ màng nghĩ tới khoản lợi nhuận sẽ thu được thì bất ngờ có tiếng ai đó vang lên.
“Chú Đào? Chào chú, có chuyện gì vậy ạ?”, Cường nhận ra vị chủ tịch xã Đỗ Bá Đào cùng mấy vị trong chính quyền địa phương thì liền đứng lên chào hỏi.
Đỗ Bá Đào liếc mắt nhìn Cường sau đó lên tiếng:
“Thằng Cường, sao mày lại ở đây?”
“Dạ, cháu bán nứa cho chú Lâm”, Cường nhanh chóng đáp lời.
“Bán nứa? Chỗ này là thằng Lâm làm à?”
"Vâng, sao thế chú?"
Đỗ Bá Đào khẽ nhíu mày. Ông ta thực ra vừa có chuyến tập huấn về chính sách trên tỉnh trở về, tới đầu làng thì thấy người ta nô nức chở nứa qua lại nên mới lần tới chỗ này, không nghĩ tới lại là do một đứa em trong họ mở bán.
“Thằng Lâm đâu, mày đi gọi nó ngay ra đây cho bác”, Đỗ Bá Đào hướng Cường ra lệnh.
Cường không hiểu chuyện gì lại khiến vị bác họ sốt sắng như vậy nhưng cũng đoán là việc quan trọng nên mau mắn gật đầu:
“Vâng, chú ấy đang làm ở ruộng, cháu đi gọi luôn”
“Ừ, nhanh lên! Bác đợi ở đây!”
....................................
....................................
Ít phút sau, Lâm quần ống thấp ống cao tất tả chạy về phía lán, tay chân mặt mũi hắn khi này vẫn còn lấm lem bùn đất.
Nhìn bộ dáng đặc sệt nông dân của Lâm, Đỗ Bá Đào thật không làm sao thuyết phục được bản thân rằng người này lại có thể chủ trương làm ra chuyện mua bán nứa.
“Bác Đào, bác gọi em có việc gì ạ?”, Lâm vừa thở vừa hấp tấp dò hỏi.
“Chú ngồi xuống đi rồi nói”, Đỗ Bá Đào chỉ vào cái ghế còn trống trước mặt
“Vâng”
Đợi cho Lâm ổn định chỗ ngồi, Đỗ Bá Đào mới nghiêm mặt trầm giọng hỏi:
“Tôi nghe nói điểm buôn bán này là do chú mở”
Nghe được câu hỏi, Lâm khẽ liếc mắt về phía Cường sau đó mới hướng Đỗ Bá Đào lên tiếng:
“Vâng, em thấy bà con thiếu nan làm dậu, lại tìm được nguồn cung nên mới nhập về bán. Làm vậy có ảnh hưởng gì không bác?”
“Bậy! Quá bậy! Thật là ấu trĩ làm càn”, nghe Lâm xác nhận, Đỗ Bá Đào lớn giọng quở trách.
“Ôi, có gì bác bảo em, em thật không biết mình sai cái gì”, Lâm thấy thái độ của người anh họ trở nên nóng nảy có chút ngơ ngác nói.
“Hừ, các cậu tự ý mở điểm kinh doanh đã đăng ký với chính quyền xin cấp phép chưa? Làm ồn ào thế này, có người nào cáo lên trên thì to chuyện đấy!”, Đỗ Bá Đào dọa dẫm.
“Ơ, em chỉ bán vài cây nứa thôi mà cũng phải xin phép ạ?”, Lâm gãi đầu gãi tai khó hiểu.
“Haizzz, đúng là thiếu hiểu biết thì chỉ tổ gây họa. Tôi nói để chú hay, mặc dù chính phủ đã cho phép phát triển kinh tế cá thể nhưng vẫn có rất nhiều rào cản. Chú bán mớ rau, củ khoai thì không ai nói gì nhưng nếu là hàng hóa có giá trị lớn như thế này thì phải được chính quyền cho phép”, Đỗ Bá Đào thở dài giải thích.
Lời ông ta nói thực tế cũng không hề sai, đây cũng là những tri thức Đỗ Bá Đào vừa tiếp thụ được qua khóa tập huấn chính sách vừa rồi. VN đã bắt đầu thực hiện đổi mới từ nửa cuối thập niên 1980, với mong muốn xóa bỏ dần cơ cấu bao cấp quan liêu của nền kinh tế kế hoạch hóa, phát triển nền kinh tế năng động và hiện đại hơn. Một chủ trương lớn của chính phủ là hướng đến tự do hóa thương mại và thúc đẩy kinh tế tư nhân. Với nhiều biện pháp "xé rào", giải tỏa bớt các rào cản cho kinh tế tự do lưu thông, nền kinh tế VN nói chung, trong đó chủ yếu là kinh tế cá thể tư nhân bắt đầu phát triển mạnh. Nhưng những thành phần kinh tế tư nhân này còn rất manh mún.Việc thành lập công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phải trải qua "cả rừng" giấy tờ, con dấu các loại cùng vô số thủ tục "xin-cho" khác.
Tuy rằng Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân đã được ban hành vào năm 1990 tạo ra nền tảng pháp lý đầu tiên cho phép thành lập các tổ chức kinh tế thuộc tư hữu tuy vậy theo dự kiến phải đến năm sau, tức là năm 1992, Quốc hội mới họp bàn để thông qua Hiến pháp mới công nhận việc công dân có quyền tự do kinh doanh, chính thức đưa Luật kinh tế tư nhân thực sự đi vào thực tiễn.
Chỉ là đó vẫn là chuyện của năm sau, bây giờ nếu thằng em họ của Đỗ Bá Đào dám tự ý mở điểm buôn bán thì không được. Kinh tế tư nhân vẫn là chủ đề nhạy cảm cần thận trọng trong công tác quản lý. Đỗ Bá Đào thân là chủ tịch xã này lại để cho người cùng họ tự tung tự tác làm loạn thì rất dễ bị kiểm điểm kỷ luật chứ không đùa.
“Bác Đào, nhưng em chỉ bán một, hai tuần mà thôi. Đăng ký vậy phiền phức quá”, Lâm băn khoăn.
“Tôi không cần biết cậu bán trong bao lâu, cứ giao dịch lớn có yếu tố tư bản là phải được chính quyền quản lý”, Đỗ Bá Đào cứng rắn nói.
Thấy được sự kiên quyết của vị chủ tịch xã, Lâm thôi không tranh cãi mà nhìn về phía Cường. Cường thực tế cũng chỉ là một tên nhóc ranh mới lớn còn chưa ráo máu đầu, nào có hiểu được nhiều thứ như vậy nên cũng “ngáo ngơ” thộn mặt ra không khác Lâm là mấy.
Biết không thể trông cậy được vào cái đầu nhanh nhạy của Cường trường hợp này, Lâm thở dài hướng Đỗ Bá Đào lên tiếng:
“Bác nói sao thì em nghe vậy. Nhưng việc cũng lỡ rồi, bây giờ phải làm thế nào?”
Đỗ Bá Đào nhíu nhíu mày một hồi rồi mới đáp lời:
“May mà hôm nay tôi về sớm nếu không để việc tới tai cấp trên thì không hay đâu. Có hai cách cho các cậu lựa chọn, một là lập tức giải tán việc buôn bán này, hai là tạm dừng một thời gian, chờ được chính quyền cấp phép mới được tiếp tục buôn bán”
“Không được! Làm vậy cách nào cũng lỗ chết”, Cường nghe xong buột miệng phản ứng.
“Hừ, thằng nhóc thì biết cái gì mà xen vào?”
“Bác Đào, Cường nó giúp em làm vụ này nên cũng hiểu chuyện. Bác xem có còn biện pháp nào nữa không chứ làm vầy thì hỏng hết chuyện làm ăn của bọn em?”, Lâm thấy Đỗ Bá Đào không nhìn nhận Cường thì lên tiếng nói đỡ.
“Các chú tự làm tự chịu, pháp luật quy định vậy rồi. Tôi cũng hết cách”, Đỗ Bá Đào lắc đầu.
“Nhưng...”
“Không nhưng nhị gì cả, tôi cho các chú thời gian từ giờ tới chiều lo thu xếp chỗ này. Tôi sẽ còn quay lại kiểm tra, hi vọng sẽ không phải huy động lực lượng công an xã tới can thiệp”, thấy Lâm còn muốn xin xỏ, Đỗ Bá Đào lớn giọng gạt đi. Mặc kệ là họ hàng thế nào, bản thân ông ta chẳng có lợi ích gì trong chuyện này, không thể mạo hiểm làm ngơ trước một sự việc như vậy được.
“Thế nhé, các chú lo mà làm đi. Tôi phải về Ủy ban xã có cuộc họp”, nói xong, chẳng quản thêm vẻ mặt đang như bị “mất sổ gạo” của Lâm và Cường, Đỗ Bá Đào liền đứng lên cùng mấy người khác nhanh chóng rời khỏi lán.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.