Tôi bỏ hàng nhiều giờ liền để cố hiểu hết ý nghĩa các dòng viết về kỹ thuật đi biển trong cuốn cẩm nang. Có rất nhiều các giải thích rõ ràng và dễ hiểu về việc làm sao sống được trên mặt biển, nhưng các tác giả đã giả định rằng người đọc đều đã có những kiến thức cơ bản về hàng hải. Họ cho rằng nạn nhân đắm tầu đều là những thuỷ thủ có kinh nghiệm với com-pa, bản đồ và máy ngắm trong tay, và đều biết phải tìm đường tránh nạn ra sao. Kết quả là những lời khuyên như: “Hãy nhớ rằng thời gian là khoảng cách, đừng quên lên giây đồng hồ,” hoặc “Có thể dùng ngón tay để đo vĩ độ khi cần thiết.” Tôi không có cái đồng hồ, nhưng bấy giờ nó đã nằm dưới đáy sâu Thái Bình Dương. Tôi đã mất nó khi chìm tầu Tsimtsum. Còn với kinh vĩ độ, thì ôi thôi, kiến thức hải dương của tôi chỉ bó hẹp ở những gì sống trong nước biển và không mở rộng được sang những gì chạy đi chạy lại trênmặt biển. Gió và dòng chảy là một bí hiểm đối với tôi. Các vì sao không có nghĩa lý gì với tôi. Tôi không thể gọi tên được một chòm sao nào hết. Gia đình tôi đã sống với chỉ một ngôi sao: mặt trời. Chúng tôi ngủ sớm và dậy sớm theo mặt trời. Trong đời tôi đã từng ngắm nhìn những đêm sao đẹp đẽ khi thiên nhiên vẽ nên những bức tranh vĩ đại nhất chỉ với hai mầu và những phong cách giản dị nhất, và tôi cũng cảm được sự diệu kỳ, nhỏ bé mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, và cũng nhận ra cảm giác rõ rệt về hướng đi của cuộc đời từ khung cảnh hùng vĩ đó, hầu như rất rõ rệt, nhưng là nói với nghĩa tâm linh mà thôi, chứ không phải với nghĩa địa lý. Tôi không có một chút ý niệm gì về việc có thể dùng bầu trời sao ấy làm một bảnđồ chỉ đường. Làm sao những ngôi sao ấy, cho dù sáng đến đâu, lại có thể giúp tôi tìm đường cho mình nếu chúng cũng chuyển dịch không ngừng?
Tôi từ bỏ ý định tìm hiểu vấn đề đó. Có biết thêm được gì nữa thì cũng là vô bổ. Tôi chẳng có phương tiện gì để chủ động được hướng đi cho mình – không chân vịt, không cột buồm, không động cơ, chỉ vài mái chèo nhưng không đủ sức điều khiển. Vạch ra một hướng đi chỉ là vô nghĩa nếu tôi không thể làm gì để thi hành việc đó? Ngay cả khi có thể làm được thế, làm sao tôi biết mình nên về đâu? Sang phía Đông, đến Mỹ? Lên Bắc, đến Châu á? Xuống phía Nam, nơi có các luồng tầu? Lựa chọn nào cũng tốt xấu ngang nhau.
Thế nên tôi trôi dạt. Gió và dòng chảy quyết định nơi tôi sẽ đến. Thời gian trở thành khoảng cách đối với tôi cũng như mọi vật có sinh tử khác ở đời – và tôi dùng ngón tay mình làm các việc khác chứ không cố đo vĩ độ với chúng. Sau nay, tôi tìm ra rằng tôi đã du hành dọc một con đường nhỏ hẹp, đó là dòng hải lưu ngược xích đạo của Thái Bình Dương.