Tôi câu với các loại lưỡi khác nhau, ở các độ sâu khác nhau và nhằm vào các loại cá khác nhau, từ lối câu cá dưới đáy biển với các lưỡi rất to cùng nhiều hòn chì nặng thả dây thật sâu đến những lưỡi nhỏ hơn với chỉ một hai hòn chì để nhử cá ăn nổi trên mặt nước. Lâu lắm mới có cá cắn câu, khiến cho lần nào được cá tôi cũng rất mừng, nhưng kết quả có vẻ không tương xứng tí nào với nỗ lực đã bỏ ra của tôi. Chờ cá cắn câu quá lâu, cá câu được quá nhỏ, và Richard Parker luôn luôn bị đói.
Cuối cùng thì tôi thấy cái lao móc câu lại là vũ khí bắt cá rất lợi hại. Mỗi cây lao gồm có ba phần được vặn vào với nhau: hai đoạn gậy tròn tạo thành phần cán lao - một đoạn có tay nắm bằng nhựa ở một đầu và có vòng để nối cây lao vào dây bảo hiểm – và một phần nữa có một cái lưỡi móc câu có đường kính phần uốn cong rộng đến năm phân và một mũi nhọn sắc bén như kiểu dây thép gai. Lắp hết lên, một cái lao dài khoảng một thước rưỡi, cầm thấy nhẹ và chắc như một thanh gươm.
Lúc đầu tôi thường thọc lao xuống sâu độ hơn một thước, có khi móc cả một con cá vào mũi lao làm mồi, và ngồi đợi. Thường phải đợi lâu hàng giờ, thân thể tôi căng thẳng đến đau nhừ. Khi thấy một con cá đã bơi vào đúng chỗ, tôi lấy hết sức lực rút thật nhạnh cái lao lên. Đó là quyết định phải thi hành lập tức chỉ trong một phần giây đồng hồ. Kinh nghiệm dạy tôi rằng chỉ nên rút dao khi tôi thực sự cảm thấy có cơ hội bắt đựơc cá, không nên rút một cách hú họa, vì cá cũng rút kinh nghiệm rất nhanh, và không bao giờ rơi vào cùng một cái bẫy đến lần thứ hai.
Khi may mắn, lưỡi lao sẽ móc chắc vào con cá và tôi có thể bình tĩnh đem nó lên bè. Nhưng nếu tôi móc một con cá lớn vào đúng chỗ phần bụng hoặc đuôi, nó sẽ vặn người tuột khỏi lao và vọt đi mất với một tốc độ bất ngờ. Bị thương như vậy, con cá dễ dàng trở thành mồi ngon cho các con cá khác, một món quà mà tôi không hề muốn tặng cho chúng. Vì vậy mà khi thấy cá to, tôi luôn cố nhằm vào phần bên dưới mang và vây sườn của nó, vì phản ứng bản năng của cá khi bị tấn công là bơi lên trên để tránh lưỡi câu, theo đúng hướng, tôi sẽ rút lao. Có những lần, mũi lao chỉ gãi chứ không móc đựơc vào người con cá và chúng cứ thế lao thẳng lên khỏi mặt nước, nhào vào tận mặt tôi. Tôi nhanh chóng mất cảm giác sợ hại khi chạm vào các con vật dưới biển. Không còn những xúc độngn như lần giết con cá bay trong chăn nữa. Một con có nhảy khỏi mặt nước bây giờ sẽ phải đương đầu với một thằng bé đói khát đang sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để bắt nó. Nếu cảm thấy lưỡi dao móc vào cá còn có vẻ lỏng lẻo, tôi thường buông lao – vì đã buộc nó vào dây bảo hiểm – và dùng cả hai tay bắt lấy con cá.
Ngón tay, mặc dù cùn, vẫn nhanh nhẹn và khéo léo hơn một cái móc rất nhiều. Cuộc chiến đấu sẽ rất dữ dội và nhanh chóng. Những concá thì trơn tuột và tuyệt vọng, còn tôi thì chỉ tuyệt vọng mà thôi. Ước sao tôi có thật nhiều tay như nữ thần Durga - hai tay giữ lao, bốn tay bắt cá và hai tay sử dụng rìu. Tôi phải thu xếp mọi việc với hai tay mà thôi. Tôi thọc ngón tay vào mắt, thọc cả bàn tay vào mang, dùng đầu gối ấn nát bụng, dùng răng cắn đuôi - làm đủ mọi thứ cần thiết để giữ một con cá trên bè cho đến lúc có thể với được rìu và chặt đầu nó.
Với thời gian và kinh nghiệm, tôi đã thành một thợ săn giỏi hơn. Tôi mạnh bạo hơn và lanh lẹ hơn. Tôi đã phát triển được một bản năng, một cảm giác rõ rệt về việc phải làm.
Tôi thành công lớn hơn khi bắt đầu dùng đến một phần của cái lưới đựng hàng. Với tư cách một cái lưới bắt cá thì nó hoàn toàn vô dụng - quá cứng, quá nặng, và mắt lưới dệt không đủ mau. Nhưng nó là một cái nhử cá hoàn hảo. Buông thả và uốn lượn tự do dưới nước, nó là một hấp dẫn không cưỡng lại được đối với các con cá, và càng hấp dẫn hơn khi rong biển bắt đầu mọc bám vào nó. Những con cá kiếm ăn gần bắt đầu quanh quẩn coi cái lưới như hàng xóm của mình, còn bọn ăn xa, trước chỉ hay đáo qua rất nhanh như bọn dorado, nay cũng phải lượn lờ chậm lại để xem xét cái khu phố mới mở ấy. Bọn sở tại cũng như bọn khách ghé qua có biết đâu rằng mắt lười có gài lưỡi câu. Có những ngày, chẳng may quá ít, tôi cứ rút lao lên cái nào là có cá cái ấy. Những lúc đó tôi săn được thật thừa thãi; trên xuồng không còn đủ chỗ mà dây căng trên bè cũng chật ních những rẻo thịt dorado, cá bay, cá ngừ, chim, nụ... chứ đừng nói gì đến cái bụng no kễnh của tôi. Tôitrữ tất cả những gì cần cho mình, còn lại thì cho Richard Parker. Trong những ngày no đủ ấy, tôi bắt được nhiều cá đến nỗi thân thể bắt đầu lấp lánh đầy những vẩy cá bám chặt vào da thịt. Tôi cứ để nguyên những chấm sáng ngời ánh bạc ấy trên người như một tín đồ Hinđu mang trên trán biểu tượng thần linh. Nếu có thủy thủ nào gặp tôi trên biển lúc đó, chắc hẳn họ phải nghĩ tôi là một vị thần cá đang đứng trên vương quốc của mình. Đó thật là những ngày tốt đẹp hiếm hoi.
Rùa quả thật dễ bắt, đúng như viết trong cẩm nang. Trong chương về ''săn bắt và hái lượm'', rùa được nói đến trong phần ''hái lượm''. Mặc dù chúng chắc nịch như xe tăng, rùa không phải là loài bơi nhanh và khỏe: chỉ cần một tay tóm lấy một cái chân sau là có thể bắt được chúng. Nhưng cuốn cẩm nang quên không nói rằng tóm được rùa chưa chắc đã bắt được nó. Còn phải mang nó lên khỏi mặt nước nữa. Mà kéo một con rùa nặng hàng 70 cân đang quẫy đạp lên được xuồng không phải dễ. Việc đó cần có sức khỏe phi thường. Tôi đã phải làm như sau: lôi con rùa vào sát mạn xuồng, lấy dây buộc cổ, chân trước và cả chân sau, rồi kéo nó lên cho đến khi tay muốn gẫy rời ra và mắt nổ đom đóm. Phải ghì dây thật chắc vào các cái móc của mui bạt phía bên kia mũi xuồng, rồi mỗi khi sợi dây chùng ra một tí là phải kéo thêm lên rồi ghì lại ngay, từng phân một. Con rùa sẽ được kéo lên khỏi mặt nước cũng từng phân một như thế. Không thể sốt ruột được. Tôi còn nhớ một con rùa biển màu xanh lá cây đã bị treo bên cạnh xuồng như vậy trong hai ngày, và nó liên tục quẫy đạp như điên cuồng. May sao, vào lúc cuối thì rùa lại thường giúp tôi một tay mà không biết. Tức là khi nó đã bị kéo lên đến mép xuồng, rùa càng điên cuồng muốn thoát thân và nó cố rụt 4 chân bị trói vào thật mạnh, đúng lúc ấy, tôi cũng ra sức kéo dây thật mạnh, và hai lực ngược chiều như vậy bỗng hất con rùa bật lên qua mép xuồng và rơi trượt vào tấm bạt. Tôi sẽ ngã người ra sau, kiệt sức nhưng thật hỉ hả.
Rùa biển xanh lá cây cho nhiều thịt hơn rùa mỏ diều, và mai phía bụng của chúng cũng mỏng hơn. Nhưng chúng thường to hơn rùa mỏ diều, trong nhiều trường hợp là quá to đối với một kẻ đắm tàu đang ngày càng yếu đi như tôi.
Lạy Chúa, cứ nghĩ rằng tôi vốn là một kẻ ăn chay kiêng khem rất kỹ. Cứ nghĩ lại hồi trước chỉ cần nghe tiếng bẻ một quả chuối là tôi đã rùng mình vì tưởng tượng như tiếng một con vật bị bẻ gẫy cổ. Tôi đã rơi vào tình trạng man rợ không thể tưởng tượng nổi mất rồi.